Thiết kế và phát triển Douglas_A-20_Havoc

Chiếc A-20A

Vào tháng 3 năm 1937, một nhóm thiết kế dưới sự lãnh đạo của Donald Douglas, Jack NorthropEd Heinemann đã đề xuất một kiểu máy bay ném bom hạng nhẹ cung cấp động lực bởi một cặp động cơ Pratt & Whitney R-985 Wasp Junior công suất 450 mã lực (340 kW) gắn trên kiểu cánh gắn cao. Nó được ước lượng có thể mang tải trọng bom 450 kg (1000 lb) ở tốc độ 400 km/h (250 dặm mỗi giờ). Các báo cáo về tính năng của máy bay trong Nội chiến Tây Ban Nha cho thấy rằng thiết kế này trang bị động cơ không đủ mạnh và sau đó bị hủy bỏ.

Vào mùa Thu cùng năm đó, Không lực Lục quân Hoa Kỳ phát hành bản tiêu chuẩn kỹ thuật của một chiếc máy bay cường kích của riêng họ. Nhóm thiết kế Douglas, giờ đây dưới sự lãnh đạo của Heinemann, đã sử dụng lại thiết kế Kiểu 7A và nâng cấp nó với kiểu động cơ Pratt & Whitney R-1830 S3C3-G Twin Wasp công suất 1.100 mã lực (820 kW), tham dự thầu cạnh tranh dưới tên gọi Kiểu 7B. Nó phải cạnh tranh cùng các kiểu North American NA-40, Stearman X-100Martin 167F. Kiểu 7B có độ cơ động tốt và bay nhanh, nhưng không thu hút được những đơn đặt hàng tại Mỹ.

Tuy nhiên, kiểu máy bay này lại thu hút được sự chú ý của một Ủy ban Mua sắm Pháp đang viếng thăm Hoa Kỳ. Người Pháp lẵng lặng tham gia các cuộc bay thử nghiệm để không thu hút sự phản đối từ phía những người Mỹ theo chủ nghĩa cô lập, nhưng sự việc đã không thể giữ kín được sau khi chiếc 7B bị rơi vào ngày 23 tháng 1 năm 1939 trong khi biểu diễn bay với một động cơ. Người Pháp vẫn còn đủ ấn tượng về kiểu máy bay này nên đã đặt mua 100 chiếc máy bay, và đơn đặt hàng được tăng lên 270 chiếc sau khi Thế Chiến II bùng nổ.

Cho dù không phải là chiếc máy bay nhanh nhất hay tầm bay xa nhất trong hạng của nó, loạt máy bay Douglas DB-7 lại chứng tỏ là kiểu máy bay chiến đấu chắc chắn, tin cậy và đạt được sự ngưỡng mộ cao nhờ tốc độ lộn vòng và độ cơ động tốt. Trong một báo cáo đến Cơ quan Thử nghiệm Hàng không và Vũ khí (AAEE: Aeroplane and Armament Experimental Establishment) tại Boscombe Down, các phi công thử nghiệm đã mô tả tóm tắt kiểu máy bay này như là "không có khuyết điểm và rất dễ cất cánh và hạ cánh... Chiếc máy bay tiêu biểu cho sự tiến bộ rõ ràng trong việc điều khiển bay... rất dễ chịu để lái và cơ động."[1] Các cựu phi công thường xem nó là máy bay ưa thích của họ trong chiến tranh vì có khả năng lượn qua lại như một chiếc máy bay tiêm kích.[2]. Ảnh hưởng thực tế là chiếc máy bay ném bom/tiêm kích bay đêm của Douglas đã trở nên cực kỳ linh hoạt và có thể đảm nhận mọi vai trò tại mọi mặt trận của cuộc chiến, và là một máy bay được các phi công ưa chuộng.[3]

Khi việc sản xuất loạt máy bay DB-7 kết thúc vào ngày 20 tháng 9 năm 1944, đã có 7.098 chiếc được Douglas chế tạo cùng với 380 chiếc chế tạo bởi Boeing.